Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thác Pác Hảu


Thác Pác Hảu thuộc xã Sơn Phú (Nà Hang), cách trung tâm thị trấn chưa đầy chục cây số. Nhiều người ưa khám phá đã biết đến Pác Hảu như một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, là địa điểm để thư giãn trong những ngày hè nóng bức.

Thác Pác Hảu (theo tiếng địa phương là thác quả bứa) gồm 5 tầng, mỗi tầng đều ẩn chứa trong nó một vẻ đẹp riêng để khám phá. Theo lời của các hướng dẫn viên thuộc Ban quản lý du lịch sinh thái Nà Hang thì hầu như rất ít người đã leo được tới cùng của con thác do mùa hè nước chảy rất mạnh, lại không có nhiều phương tiện hỗ trợ.


Đọc tiếp: Du lich Phu Quoc gia re

Vì sao con thác có tên thác quả bứa? Nhiều người địa phương giải thích, vì trước hết đường lên thác có rất nhiều cây bứa, (một loại cây cho trái thường được người dân đem về nấu canh chua). Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường đặt tên các con thác, ngọn núi dựa vào những đặc điểm chính dễ nhận biết nhất, nên các tên gọi thường ngắn gọn và đơn giản. Nằm ngay trên tuyến đường từ thị trấn đến xã Sơn Phú, thác Pác Hảu vào mùa hè như một lời mời gọi hấp dẫn khiến khách đi đường không thể không dừng bước nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Rất nhiều du khách bất ngờ khi ngay trên đường vẫn có thể ngắm cảnh, chụp ảnh với con thác này ngay trên cầu Pác Hảu. Chị Vũ Minh Châu, một du khách đến từ Hà Nội không ngớt lời trầm trồ khi được nhìn ngọn thác sừng sững đổ ào từ trên cao xuống như một dải lụa mềm mại, hấp dẫn. Với những du khách từ phương xa như chị Châu, thác Pác Hảu là một ẩn số, luôn đòi hỏi được tìm ra đáp án.


Với những du khách ưa thích các địa điểm du lịch khám phá thì Pác Hảu là một gợi ý lý tưởng. Chưa chịu bất cứ một tác động nào từ con người, thác Pác Hảu lôi cuốn mọi người bởi chính vẻ hoang sơ của nó. Để lên được đến tầng trên cùng, đòi hỏi những người đến khám phá phải có bản lĩnh, vì ngoài dây rừng, không có bất cứ một phương tiện phụ trợ nào giúp họ. Thêm vào đó, thời gian trước đây những người dân địa phương đến đây khai thác vàng đã để lại một hệ thống hang động nhân tạo nhưng khá kiên cố, đẹp mắt. Thời gian tới, Ban quản lý du lịch sinh thái Nà Hang sẽ khảo sát thêm các hang nằm sâu trong khu vực thác và xây dựng kế hoạch đưa vào chương trình tham quan cho du khách như một điểm du lịch khám phá, để du khách có thể tự tìm hiểu, tự khám phá thêm vẻ đẹp của nó.


Với những lợi thế, Pác Hảu hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan khi có dịp đặt chân tới đây.

Bích Đào tiên động - điểm du lịch hấp dẫn của xứ Thanh


Động Từ Thức còn có tên gọi khác là động Bích Đào, nằm trên địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Động gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên.

Đọc tiếp: Tour du lịch Cát Bà

Chuyện kể rằng: Một hôm, quan tri huyện họ Từ, tên Thức đang vãn cảnh chùa, ngắm hoa mẫu đơn nở, nhìn thấy một cô gái bị người trông hoa bắt giữ. Hỏi ra mới hay, người con gái nọ tên là Giáng Hương, cũng đi ngắm hoa mẫu đơn nở, sơ ý làm gãy một cành hoa của nhà chùa. Động lòng, Từ Thức lấy áo chuộc tội cho nàng. Kể từ đó, chàng đem lòng thương nhớ Giáng Hương, chỗ nào có phong cảnh đẹp, thì tìm đến, hy vọng được gặp người con gái hôm nào. Thời gian đằng đẵng trôi qua, mà nàng vẫn như bóng chim tăm cá. Một hôm, chàng đi lang thang vào trong núi. Thấy một hang động, chàng men theo mãi, theo mãi đến động Bích Đào. Ở đó, Từ Thức gặp được nàng Giáng Hương thuở nào. Hai người nên duyên vợ chồng.


Giáng Hương vốn là tiên nữ. Một hôm nàng đi chầu Thánh Mẫu, Từ Thức ở nhà một mình, ra cửa động nhìn thấy trần gian và nhớ nhung khôn xiết. Khi Giáng Hương trở về, Từ Thức ngỏ ý muốn về thăm quê cũ. Lòng chàng đã quyết, Giáng Hương không thể giữ được chân chàng.

Từ Thức trở về trần gian, mới hay mình đã xa quê quá lâu rồi, không ai còn nhận ra nữa. Lòng chàng buồn tủi. Chàng tìm đường về động Bích Đào với Giáng Hương nhưng tìm mãi mà vẫn không thấy đường về động.


Động Từ Thức trở thành một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở xứ Thanh. Đã có nhiều tao nhân mặc khách để lại những vần thơ bất hủ ghi lại cảm xúc khi tận mắt thấy vẻ đẹp thiên phú nơi đây. Có dịp về thăm động Từ Thức, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình thù kỳ dị, mà dân gian đặt tên là kho vàng, kho vải, kho muối, hội tiên... như đưa ta vào thế giới thần tiên.

Khám phá truyền thuyết Núi Sam


Trên con đường trải rộng cách thị xã An Giang chừng 60 km về hướng Tây, một buổi chiều nắng êm ả, tết Đoan Ngọ, tôi trở lại núi Sam. Những hàng sứ trắng đầu xuân đã nhường chỗ cho phượng vĩ tràn cả lối đi. Núi Sam như bừng sáng lên giữa “đám lửa” rực rỡ của mùa phượng vĩ nở hoa.

Nơi núi Sam ngự trị

Một góc núi Sam


Người ta gọi là núi Sam. Núi có diện tích khoảng 280ha, với độ cao vừa phải 241m. Vào thời nhà Nguyễn, núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên - ngày nay là xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là rặng núi lẻ loi cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Khi đứng từ trên đỉnh cao nhất của núi Đá Dựng (cách đó khoảng 6km) ta sẽ nhìn thấy giữa cánh đồng xanh ngát là hình ảnh một con sam. Có nhiều câu chuyện truyền thuyết về loài sam từng sinh sống nơi đây.

Vùng đất này thật trù phú, cả một đoạn đường dài một bên là biển, bên kia là những cánh đồng lúa xanh ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Thỉnh thoảng, xuất hiện những ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc Campuchia (thờ đạo Phật – phái An Tông hoặc Tiểu Thừa, tăng ni thường mặc áo vàng và sống bằng cách đi khất thực). Nơi này khí hậu ôn hòa mát mẻ vì ngoài cánh đồng, núi Sam còn được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch.

Đường lên núi Sam

Đường lên núi Sam

Từ hai thế kỷ trước, qua ngòi bút của Thoại Ngọc Hầu (trong bia “Vĩnh Tế Sơn”) thì núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy. Trong vòng bán kính khoảng 10km đổ lại bên cạnh núi Sam còn có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang... và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ...

Tách khỏi dòng người đổ về viếng núi Sam trong ngày lễ, theo lời kể của một người dân địa phương, tôi men xuống sườn Đông núi Sam để tìm một ít lá giang. Nếu đã từng nhấm qua một lần cái hương vị của loại lá này, ta sẽ cảm nhận sự thú vị ở đầu lưỡi bởi vị chua thanh lẫn chút bùi bùi. Lá giang dùng nấu canh với thịt gà ăn rất ngon.


Và lạ lắm, cùng một loài này nhưng nếu mọc ở sườn núi phía Tây hay phía Đông thì hương thơm, vị ngon và độ màu cũng khác nhau. Một người dân địa phương giải thích rằng, ở sườn phía Đông núi Sam đón nhận ánh nắng đầu tiên của mặt trời nên loài cây trái nào hương vị cũng thanh hơn.

Những truyền thuyết in trên núi đá

Hang Thủy Tề

Chuyện về loài Sam vẫn chưa kết thúc. Tôi được thầy Ngọc Minh, một tăng sư đã có 15 năm gắn bó với ngọn núi thơ mộng kể cho nghe một truyền thuyết khác. Thầy đưa tôi đến một cái miệng hang hiện đã được lấp tạm thời bằng xi măng, phía bên trái cách lối đi vào chừng khoảng 3 mét, thầy bảo đây là đường đi xuống thủy tề. Tôi ngạc nhiên, thầy tiếp tục câu chuyện của mình...

Phía bên trên miệng hang, nhìn thẳng lên vách núi dựng đứng có cái lỗ thông thiên, đường kính khoảng gần 1 mét vuông. Trước đây có một cái dây thừng thòng từ miệng hang xuống, nhưng vì du khách đến đây đu dây nhiều quá nên bị đứt một nửa. Năm 1978, Pôn Pốt tràn qua chiếm đóng vùng đất này, chính quyền địa phương đã cho lấp hang lại vì sợ chúng cất giấu vũ khí.

Truyền thuyết kể lại đây chính là nơi ở của con đại bàng, nó đã bắt cóc công chúa và đi vào hang bằng lỗ thông thiên. Trên vách đá của hang in hình người màu trắng, trên vai quàng con vật hình thù như đầu chằn tinh, tay trái dìu công chúa, khiến người ta liên tưởng đây là ông Thạch Sanh.

Bàn thờ Thủy Tề 200 tuổi

Là chuyện từ cái hang này, sau khi Thạch Sanh giết đại bàng, giải thoát công chúa, Lý Thông muốn giành công nên gọi lính lấp miệng hang để giết Thạch Sanh. Không ra khỏi hang được, Thạch Sanh mới lần tìm lối đi khác, cuối cùng tìm ra cửa biển và gặp người có đuôi giống cá...

Bên cạnh cái hang được gọi là “vương địa” đại bàng, qua một lối đi lớn sẽ gặp cái hang thứ hai. Trên miệng hang có bàn thờ Thủy Tề, phía bên trong hang có 3 lối đi nhỏ. Ở dưới hang có loài đá rất lạ, không phản chiếu ánh sáng, rọi đèn vào ánh sáng bị hút hết. Chỉ có đèn dầu mới thắp sáng được dưới này, nhưng đèn dầu mà không có không khí thì không cháy. Cho đến bây giờ cái hang kỳ lạ này vẫn chưa được khám phá.

Người con gái trên đá


Theo thời gian, những lớp đá canxi gặp mưa nhiều hút nước trương ra tạo thành những hình thù rất kỳ lạ. Ở một nhánh cửa hang phía Nam, cạnh phiến đá Đại Hồng Chuông khá nổi tiếng là khối đá hình con sử tử từ trên trời bay xuống. Trên đầu sư tử có hình Đức Phật. Theo kinh Pháp Hoa, nhân vật cưỡi sư tử là Bồ Tát Văn Thù - người có tiếng nói êm dịu - tượng trưng cho trí tuệ, phá đêm tối của vô minh. Tôi hỏi khối đá này đã xuất hiện tự khi nào thì được biết nó đã có từ khi thạch động xuất hiện và ngày càng lớn dần thêm.

Chuông cổ

Lại nói về Đại Hồng Chuông, nhìn kỹ sẽ thấy những khối đá rời, đá có tiếng kêu rất thanh. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày cái chui đánh chuông do người Miên khai phá mảnh đất này mang về xứ, ta có đẽo nhiều cái khác nhưng đánh vào chuông không kêu!

Và cứ thế, những câu chuyện kéo dài mãi... Những truyền thuyết sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường, càng khiến cho lời kể thêm hấp dẫn hơn. Mãi nghe, tôi vô tình đưa tay chạm vào một nhũ thạch (vú đá). Vào mùa mưa từ nhũ thạch này phun lên dòng nước trong vắt, mát lành. Có người nói uống nước này có thể chữa được bệnh.

Chiều đã về rất muộn, chim yến gọi bầy quấn tổ, những du khách cuối cùng đã rời núi. Tiếng chuông chùa vọng lại xa xa. Từ biệt núi Sam, hẹn lòng sẽ quay trở lại vì còn nhiều truyền thuyết chưa kịp khám phá…

Vẻ đẹp quyến rũ của đầm Thị Tường


Đầm Thị Tường là thắng cảnh thiên nhiên độc đáo nằm giữa hai huyện Trần Văn Thời, Phú Tân của tỉnh Cà Mau, đang cần được bảo vệ và phát triển. Môi trường sinh thái với vẻ đẹp hoang sơ và những nét văn hoá gắn liền với nhiều chiến tích lịch sử, huyền thoại, cũng là một điểm thu hút một lượng khách du lịch hàng năm.

Đọc tiêp: Du lich Sam Son

Đầm Đầm Thị Tường nằm giữa lòng đồng bằng bao la, bốn bề là dừa nước xanh rờn. Đầm được hình thành bởi 3 đầm chính là Đầm Trong, Đầm Giữa và Đầm Ngoài, trong đó Đầm Giữa là Đầm lớn nhất. Nó như một quả bóng phình to. Đầm trải rộng gần 2km và dài tới hơn 10km, diện tích mặt nước khoảng 700ha. Trên Đầm có nhiều dãy nhà sàn lớn nhỏ nằm rải rác, mỗi nhà cách nhau khoảng 100m, khoảng cách đó chính là ranh giới của mỗi hộ làm nghề khai thác thủy sản ở đây. Mỗi xóm nhà như một “khu làng nhỏ” nằm phơi trên mặt nước mênh mông, ở đó có nò, đó, chài lưới... Đầm Thị Tường chứa đựng những tài nguyên vô cùng quý giá và to lớn về hệ sinh thái biển.

Đến với Đầm Thị Tường - một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ta như lạc vào Phá Tam Giang xứ Huế. Buổi sáng, Đầm yên ắng trong làn nước trong vắt, cảnh vật huyền ảo bởi những rạng mây hồng và từ dưới mặt đầm ông mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên khỏi mặt nước, tạo nên những vệt sáng loáng. Phong cảnh Đầm như một bức tranh quê biển hữu tình, trong bức tranh đó sống động bởi tiếng chim muông gọi bầy chào đón bình minh.


Mặt trời lên, sương tan, mặt nước trên đầm long lanh in đậm bóng những ngôi nhà sàn. Gió bắt đầu thổi, tạo bầu khí hậu mát mẻ, trong lành hòa cùng với cảnh sống rất thanh bình, yên ả của người dân chài lưới. Sự độc đáo của phong tục tập quán kết hợp với nhiều nét văn hoá của người dân xứ biển đã tạo nên một vẻ đẹp, đặc sắc hiếm có cho Đầm Thị Tường .


Đầm Thị Tường không chỉ có thế, nơi đây còn nhiều phong cảnh đẹp gắn liền với nhiều di tích lịch sử và những khu căn cứ của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, như Khu căn cứ Xẻo Đước, Đoàn văn công giải phóng... Đến đây, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những làng quê còn rất yên tĩnh.

Đọc tiếp: Du lich Cua Lo

Khác với các địa điểm du lịch khác, Đầm Thị Tường không có nhà hàng, khu vui chơi giải trí... Thay vào đó, điểm dừng chân nghỉ ngơi chính là những ngôi nhà sàn của dân chài lưới ngay trên mặt đầm. Du khách có thể tìm hiểu kỹ hơn về đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Ngoài ra, dạo chơi bằng xuồng ba lá, len lỏi trong những rặng dừa nước cũng là điểm hấp dẫn những khách tham quan ưa thích khám phá thiên nhiên.

Với những ưu thế đặc biệt, Đầm Thị Tường được coi là một trong những điểm khai thác của các nhà nhiếp ảnh, các đoàn làm phim, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là các tour du lịch sinh thái quyến rũ, bởi nơi đây còn mang vẻ đẹp hoang sơ, trong danh sách các thắng cảnh đẹp của Đồng bằng sông Cửu Long

Về miền Tây thưởng thức bún Xiêm Lo


Món bún xuất thân từ Campuchia khiến nhiều thực khách đến các tỉnh Long An, An Giang phải bưng cả tô húp lấy húp để.

Chỉ có mặt ở các hàng vỉa hè hoặc các quán ăn bình dân nhưng bún Xiêm Lo là thức ăn đặc sản nổi tiếng của miệt Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng tỉnh Long An và một số địa phương khác giáp biên giới Tây Nam nước ta.

Tô bún bình dân trông không bắt mắt nhưng khá thú vị khi ăn. 

Đọc tiếp: Du lịch Quan Lạn

Xiêm Lo vốn là món ăn quen thuộc của người Khơ Me, ban đầu bị chê bình dân bởi cách chế biến đơn giản từ nước lèo nấu từ cá lóc, chan vào bún Miên sợi, ăn cùng muối ớt. Song từ hơn 10 năm trở lại đây, bún Xiêm Lo được nhiều người Việt chế tác thành món cao cấp hơn dù vẫn trên nền công thức cốt lõi là cá lóc.

Để có nước lèo ngon, người nấu chọn cá lóc con to, cắt phần đầu cá mang đi luộc, phần thịt cá quết làm chả, rồi vo thành viên tròn hoặc vuông to bằng đầu ngón tay. Tất cả được nấu trong nước có củ nghệ tương băm nhuyễn, nước mắm, muối, bột ngọt.

Người Khơ Me không dùng thịt heo để hầm nước lèo nên phần nước lèo có mùi thơm đặc trưng của cá lóc và nghệ tươi cùng vị ngọt tự nhiên từ cá. So với cách nấu cũ, ngoài chả cá lóc nghệ tươi, bún Xiêm Lo tại các tỉnh miền Tây còn được tăng cường thêm ít da lợn luộc cắt miếng vuông.

Kèo nèo và giá là hai thứ ăn kèm với bún Xiêm Lo.


Bún ăn với nước lèo là loại bún Miên, sợi nhuyễn, dài và dai. Bún được cho vào tô, chế nước lèo ngập mặt, cho vào ít chả cá lóc, mớ da heo luộc và đầu cá. Khách có thể giảm bớt các món ăn kèm tùy theo sở thích. Giá cho mỗi tô khoảng 15.000 đồng.

Bún Xiêm Lo không thể thiếu cây kèo nèo hay còn gọi là nê thảo, tai tượng, loại cây sống tại vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long có thân gần giống với lục bình. Thân kèo nèo có vị ngọt pha chát và hơi đắng, có thể ăn sống hoặc nấu canh. Vị của kèo nèo đặc biệt hợp với hương cá lóc, nghệ tươi trong nước lèo bún Xiêm Lo.

Người Khơ Me ít ăn nước mắm nên muối ớt trở thành món chấm chính của nhiều loại thức ăn, trong đó của bún Xiêm Lo. Khi tô bún nóng hổi đã lên tô, người ăn mặn có thể nêm thêm tí muối ớt, hoặc cũng có thể dùng để chấm với da heo hoặc đầu cá.

Muối ớt – loại gia vị dùng để chấm chính của bún Xiêm Lo. 

Đọc tiếp: Du lịch Cửa Lò

Giá cả bình dân, lạ và ngon miệng, bún Xiêm Lo trở thành món ăn điểm tâm rất đáng thử của những ai có dịp đến Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng (Long An) hoặc các tỉnh biên giới Tây Nam.